Di tích danh lam thắng cảnh Thác Dải Yếm thuộc bản Vặt xã Mường Sang, tỉnh Sơn La. Du khách đến thác Dải Yếm đi theo hai hướng: Từ trung tâm huyện lỵ hướng Hà Nội Sơn La theo quốc lộ 6 lên Thành phố Sơn La 3km tới ngã ba Lóng Sập rẽ trái đi đường 43 khoảng 5km là tới di tích. Từ trung tâm huyện lỵ Mộc Châu hướng Sơn La Hà Nội khoảng 1km tới ngã ba đường đi Lóng Sập theo hướng tay phải đường 43 đi khoảng 5km là tới di tích. Đường đến di tích rất thuận lợi du khách có thể đi bằng mọi phương tiện xe máy, xe ô tô. Hai bên đường cảnh quan thiên nhiên và khu dân cư rất đẹp, đường trải nhựa uốn theo các sườn đồi với mầu xanh của ngô, lúa. Đặc biệt đây là con đường biên giới Việt Lào với 33km là sang nước cộng hoà dân chủ nhân dân Lào. Đến với Thác Dải Yếm, chúng ta lại gợi về câu chuyện tình yêu đôi lứa được người dân địa phương nơi đây kể lại, được gắn với 2 câu chuyện: - Câu chuyện tình hữu nghị Việt – Lào ở vùng biên giới Tây bắc - Câu chuyện Quá trình kiến tạo địa chất của vùng đất Mộc Châu Thác Dải Yếm là 1 phần trong hành trình tour du lịch Mai Châu - Mộc Châu. 1. Chuyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa không ai còn nhớ ngày, nhớ năm, vùng đất này còn vô cùng hoang sơ, núi cao sừng sững, rừng bạt ngàn cây cối, muông thú đầy rừng Chủ nhân vùng đất này là một vài xóm nhỏ của dân tộc Thái, Xá. Nguồn sinh sống của họ chủ yếu dựa vào săn bắn, hái lượm nhặt quả trong rừng, bắt cua, cá dưới suối. Cuộc sống tuy vất vả nhưng họ sống với nhau đầm ấm và hạnh phúc. Ngày đó bên nước bạn Lào có quân giặc từ phương bắc tràn xuống, cướp của, bắn giết dân lành tại các bản mường, hai nước sẵn có truyền thống hữu nghị từ lâu đời, thanh niên trai tráng ở bản Vặt hăng hái tòng quân sang giúp Lào đánh giặc. Ở bản Vặt lúc đó có một đôi trai giá rất yêu nhau, nhưng chàng trai phải tạm biệt cô gái lên đường cùng các chàng trai khác trong bản đi đánh giặc. Ngày chia tay, cô gái tiễn người yêu tới núi Pú Hạng Méo (nơi bé như đuôi con Mèo trên đường quốc lộ 43), tới đây cô gái nói với chàng trai: "Anh đi đánh giặc xong sẽ trở về với em, chúng ta sẽ chờ và đón nhau tại đỉnh của dòng thác này, nếu anh hi sinh em sẽ biến thành con ếch ở ruộng Nai Sa nhìn về phía anh đi. Chàng trai dặn cô gái anh đi đánh giặc xong sẽ trở về đỉnh dòng thác này, chúng mình sẽ cưới nhau. Họ chia tay nhau chỉ có dòng thác chứng kiến cùng với tiếng thác nước rì rầm hoà cùng tiếng xào xạc của rừng cây, tiếng chim hót líu lo như tiếp nối lời ca tiếng đàn của sơn nữ xinh đẹp thuỷ chung. Chàng trai đi đánh giặc cô gái trở về bản sớm hôm tần tảo ruộng vườn. Nhiều mùa trăng đã trôi qua, các chàng trai ở bản lần lượt trở về duy chỉ có chàng trai là người yêu cô gái không về, thời gian trôi đi hết ngày này qua ngày khác mà người chẳng thấy về, chiều nào cũng vậy khi xong việc nhà hoàng hôn buôn xuống cô gái lại ra thác nước nơi hai người hẹn hò nên duyên vợ chồng xoã tóc xuống dòng nước tắm ngóng chờ người yêu với niềm hy vọng. Nhân dân trong bản rất yêu thương và lo sức khoẻ cho cô, nhiều chàng trai trong bản đem lòng yêu thương muốn lấy cô về làm vợ, nhưng cô cương quyết từ chối chờ đợi chàng. Một hôm trời đổ cơn giông, gió ào ào thổi, mây đen kéo đến phủ kín cả bầu trời, trời đất tối đen như mực sống chớp ầm ầm, trời bắt đầu mưa to, nước dâng ngập cả một vùng. Ngày hôm sau nước rút, dân bản đi tìm cô gái nhưng không thấy chỉ tìm được một dải lụa mà cô gái thường dùng hàng ngày vương trên cành cây trên đỉnh thác ,xem kỹ dải lụa có thêu tên của cô gái và chàng trai. Xúc động trước tình yêu và lòng chung thuỷ của cô gái đối với chàng trai. Từ đó bà con trong bản đặt tên cho thác là thác Dải yếm. Nhất là khi đứng từ Pú Hạng Méo nơi cô gái và chàng trai chia tay nhìn về dòng thác ta sẽ thấy dòng thác tựa như một dải lụa mềm mại, mái tóc dài óng mượt thơ mộng được gắn lên mối tình thuỷ chung bi tráng. 2. Thưở ấy đã lâu lắm rồi, vùng đất này còn vô cùng hoang sơ, rừng bạt ngàn cây cối, muông thú đầy rừng. dân tộc ở đây là bản làng nhỏ bé gồm dân tộc thái, xá.. nguồn sống chính của họ là hái lượm, một ngày đẹp trời mọi người trong xóm nhỏ toả vào các cánh rừng để kiếm sống.trong đó có chàng trai và cô gái ở hai gia đình rất thân nhau, cả hai đang ở độ tuổi trăng tròn cũng vào rừng để kiếm sống như mọi người khác. Cảnh vật nơi đây thật là tuyệt đẹp dưới chân họ là cánh rừng và dòng suối trong vắt , trên đầu họ là rừng xanh và mây trắng lững lờ trôi, hai bên bờ suối từng đàn bướm với đủ màu sắc rực rỡ bay lượn dập dờn, lá cây lay động khi làn gió thổi qua, tất cả những thứ đó hoài quyện vào nhau tạo cho nơi đây một cảnh đẹp thiên thần. Bất chợt gió ào ào thổi, mây đen kéo đến phủ kín cả bầu trời đất trời tối đen như mực báo hiệu một trận đại hồng thuỷ sắp đổ xuống nơi này. Quả nhiên, bầu trời đen kịt như bị xé rách bởi tiếng sấm ầm ầm và chớp lóe lên nhằng nhịt. Một thác nước từ trên trời bỗng đổ ập xuống nơi này, mưa rất to, trời đất vẫn tối sầm, sét đánh ngang dọc bầu trời mưa vẫn tiếp tục đổ xuống ngày một to hơn, cả vùng đất này như biển nước mênh mông. Chàng trai và cô gái cũng như các người dân khác đang kiếm ăn trong rừng thấy trời mưa họ tìm một nơi trú ẩn cho mình, không ngờ trời mưa quá to, nước mỗi ngày càng dâng cao hơn nữa mọi người ai cũng đều lo sợ. Đột nhiên mặt đất rùng rùng chuyển động như trời long đất lở đất bỗng toác ra, sụp xuống thành một khe rất sâu kéo dọc theo sườn núi cả một vùng bị nước dâng đầy như biển cả tạo thành một dòng nước chảy xiết hung dữ. Chàng trai và cô gái cũng chọn chung số phận như những người khác trong vùng bị gập nước, tất cả đều bị cuốn trôi theo dòng nước xiết đang chảy về phía miệng vực, mọi người đều tuyệt vọng, họ kêu cứu và cầu mong có một ai đó đến cứu họ thoát chết. Càng gần đến miệng vực sâu, nước chảy càng mạnh hơn, miệng vực há ra như muốn nuốt chửng mọi thứ, chàng trai và cô gái cũng cùng chung số phận như những người khác nhưng may mắn hơn họ bị nước cuốn dạt sang một dòng chảy khác, khi bị nước cuốn đến khu vực bản Vặt họ bám vào một cành cây cổ thụ cả hai người cùng trèo lên cây nhìn và thương xót cho mọi người đang bị nước cuốn trôi về phía vực thẳm, dưới chân thác là một đám dây và cây rừng dày đặc giăng ngang như một chiếc võng để họ bám vào không bị nước cuốn sâu xuống dòng suối hung dữ đang ào ào chảy xiết.Trời bắt đầu tạnh, nước rút dần, chàng trai và cô gái xuống mặt đất đi về phía khe đất nứt để xem có còn ai sống xót không, họ vừa đi vừa gọi hy vọng còn ai đó cũng may mắn như họ, văng vẳng gần thác có tiếng người kêu cứu cả hai vội vã chạy đến, họ thấy một nhóm người đang bám víu lơ lửng trong đám dây và cây rừng gần đáy thác nước. Trên đỉnh thác nước vẫn chảy xiết. đá và đất lở xuống tạo thành đáy thác rất sâu và, độ dốc gần như thẳng đứng nên mọi người không có cách gì bám để trèo lên được. Chàng trai và cô gái tìm dây rừng để thả xuống cứu họ lên nhưng tất cả đều bị cuốn trôi, chàng trai đang tìm cách cứu mọi người. Chợt nghe cô gái kêu lên” Tìm được cách rồi”, cô thả mái tóc dài đen mượt của mình xuống thác để cứu dân bản, nhưng những sợi tóc của cô không đủ dài để cứu được họ cô phải lấy thêm dải thắt lưng nối vào. Nhờ có những sợi tóc và dải thắt lưng bện vào nhau thành một dây dài thả xuống thác và mọi người đã được cứu lên đỉnh thác. Chính nơi có mặt đất nứt ra tạo thành một vực sâu rộng như ngày nay đã trở thành một thác nước rất đẹp. Để cảm ơn cô gái và chàng trai dân bản cùng nhau tát thành cho họ thành đôi vợ chồng, họ sống với nhau rất hạnh phúc, sinh con đẻ cái và thành lập nên bản, tụ họp con cháu sống ở nơi cây to mà họ may mắn bám vào không bị nước cuốn trôi từ đó họ đặt tên bản là Vặt, tên bản Vặt xuất hiện từ đó, nghĩa là nơi người đã cứu dân trong vùng khỏi một tai hoạ lớn. Từ đó thác nước mang tên là thác nước bản Vặt, thác nàng, thác Dải yếm"...
Next
Bài đăng Mới hơn
Previous
This is the last post.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top